Tập trung nguồn lực, phát triển dược liệu của tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia

Chủ trương phát triển dược liệu được Tỉnh ủy Kon Tum quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 2/3/2018); tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Với 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, tiềm năng dược liệu tại địa bàn tỉnh Kon Tum đã được khẳng định. Trong đó, phải kể đến nhiều loại cây thuốc quý, có giá trị như sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (sâm dây), lan Kim tuyến, Đương quy, Ngũ vị tử, Sa nhân tím, Đinh lăng…
Hình 01: Sâm dây Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông
Đến nay, ngoài gần 500 ha sâm Ngọc Linh chủ yếu của doanh nghiệp hình thành tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, diện tích các loại cây dược liệu phổ biến như sâm dây, Đương quy, Nghệ đỏ, Sa nhân tím…bước đầu đã được mở rộng trồng tại các địa phương trong tỉnh, mà trọng điểm là huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei. Tuy vậy, để có thể khai thác đúng hướng lợi thế điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu, vấn đề đặt ra là cần có sự thống nhất chỉ đạo và xây dựng chương trình phù hợp, kế hoạch cụ thể; tránh tình trạng khai thác bừa bãi dược liệu trong tự nhiên và nguy cơ cạn kiệt nguồn gien dược liệu.
Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; tỉnh Kon Tum xác định phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh; góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Đó cũng là điều kiện bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Theo Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn, trước mắt,tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2020, phát triển khoảng 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường; trong đó có ít nhất 1.000 ha sâm Ngọc Linh.Song song với quan tâm mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tập trung, hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh, 01 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác; thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đến năm 2030, phấn đấu nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu lên khoảng 25.000 ha; trong đó có khoảng 10.000 ha sâm Ngọc Linh; hình thành mới ít nhất 05 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu mỗi năm, ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi đề án, song song với tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và Nhân dân về dược liệu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; các cấp ngành, địa phương tập trung hoàn thành việc quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; đồng thời chú trọng mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển dược liệu.
Ba huyện trọng điểm được xác định phát triển dược liệu là Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông; 10 loài dược liệu được xác định đầu tư để phát triển vùng trồng dược liệu tập trunggồm: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử, lan Kim tuyến, Nghệ vàng, Đinh lăng, Sa nhân tím, Ý dĩ, nấm dược liệu.Trước mắt, đến năm 2020, ưu tiên tập trung phát triển 04 loài dược liệu chủ lực là sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng và một số loài dược liệu có sức tiêu thụ lớn trên thị trường.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu của tỉnh Kon Tum, vấn đề đặt ra là tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu; tăng cường giải pháp hỗ trợ giống một số loài dược liệu có thế mạnh cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu theo nguyên tắc “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới; gắn với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững.
Để đạt yêu cầu phát triển dược liệu, tỉnh Kon Tum áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất giống sâm Ngọc Linh, giống trồng cây Đảng sâm, Đương quy và hỗ trợ sử dụng đất theo quy định hiện hành. Theo đó, hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tưsản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư; hỗ trợ 50 triệu đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/01 nhà đầu tư…
Tập trung thu hút các nguồn lực để thực hiện đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2030, phát triển dược liệu trên địa bàn trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia./.
Nguồn: https://kontum.gov.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

033.965.7935